Học tập trong môi trường đại học sẽ yêu cầu sinh viên phải làm quen với việc "Tự học". Đây là một hành trình yêu cầu có sự nỗ lực và kiên trì của mỗi cá nhân. Với khối lượng kiến thức quá nhiều và khó hiểu, nhiều sinh viên dễ bị nản, mất động lực với việc học, kéo theo những kết quả không mong muốn.

Cách tăng động lực học tập cho sinh viên

Để có động lực học tập, sinh viên nên lập ra các mục tiêu học tập rõ ràng, cụ thể. Đây sẽ là cơ sở để sinh viên có thể duy trì được sự hào hứng và kiên trì hơn trong quá trình học tập.

Trên thực tế, có rất nhiều sinh viên mới lên đại học đặt ra nhiều mục tiêu học tập, nhưng khi học được một thời gian đã nản và không còn tập trung vào việc học. Vì vậy, mục tiêu học tập đặt ra cũng cần phải dựa trên những mong muốn, đam mê và mang tính thực tế, phù hợp với khả năng của bản thân.

Có thể thấy, thiết lập những mục tiêu rõ ràng, việc xây dựng các mục tiêu cụ thể và có thể đạt được là rất quan trọng. Hãy bắt đầu từ những mục tiêu lớn, sau đó chia nhỏ dần để dễ dàng thực hiện và từng bước đạt được mục tiêu.

Trên đại học, sinh viên phải học các môn đại cương và chuyên ngành, nên sẽ có một khối lượng kiến thức khổng lồ cần được dung nạp trong thời gian rất ngắn. Phương pháp học cũ có thể không còn phù hợp với môi trường học tập mới. Việc tìm hiểu được phương pháp học tập phù hợp sẽ giúp sinh viên có phương hướng học tập đúng đắn hơn.

Khi có phương pháp học tập, thời gian để tiếp thu những kiến thức được rút ngắn, có thể tiết kiệm nhiều thời gian hơn cho các kế hoạch khác. Ngoài ra, các phương pháp hiệu quả còn giúp sinh viên có thể tối ưu hóa thời gian học, tránh lãng phí thời gian vào những cách học không hiệu quả hoặc không cần thiết.

Khi đã tìm được cách học hiệu quả, sẽ kích thích sự thích thú học tập, từ đó thúc đẩy tư duy tự học, tự quản lý và kiểm soát quá trình học một cách hiệu quả hơn.

Ai cũng có một áp lực nào đó bên trong mình. Lứa tuổi sinh viên cũng có rất nhiều áp lực đến từ nhiều phía, có thể từ bên trong bản thân sinh hoặc từ bạn bè, thầy cô... Áp lực sẽ làm cho sinh viên có nhiều sự mệt mỏi, chán nản, buồn bã, và có thể dẫn đến những cảm xúc tiêu cực.

Nhưng "có áp lực mới có kim cương", áp lực đôi khi lại tác động đến mọi người và đặc biệt là sinh viên theo hướng tích cực. Có rất nhiều người chỉ thực sự bắt tay vào làm việc khi có một áp lực nào đó đè lên đôi vai của họ.

Có rất nhiều cách để có được động lực và cảm hứng học tập, việc tìm một người để học tập, noi gương cũng là một cách rất hiệu quả. Việc truyền cảm hứng có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau. Có thể là thần tượng, người nổi tiếng trong một một lĩnh vực nào đó, thầy cô giáo, giảng viên, mentor hay từ chính những người bạn. Mỗi đối tượng sẽ có những khía cạnh riêng để khơi dậy động lực và sự đam mê học tập, làm việc của bản thân.

Đó là những người bạn yêu thích, tin tưởng và có những thành công riêng. Sinh viên có thể biết đến những câu chuyện cá nhân phía sau họ để cảm thấy được sự nhiệt huyết và đầy động lực, khuyến khích theo đuổi mục tiêu của mình. Sinh viên có thể nhận được sự hỗ trợ về mặt tinh thần, cảm thấy luôn được động viên, giúp duy trì động lực trong suốt quá trình học tập, làm việc.

Cuối cùng, sự thành công cá nhân từ việc đạt được các mục tiêu nhỏ cũng có thể tạo động lực lớn, khiến sinh viên cảm thấy tự tin và hứng thú hơn trong hành trình học tập của mình.

Tự thưởng cho bản thân là việc tuy nhỏ nhưng lại rất hiệu quả để duy trì động lực và khuyến khích sự nỗ lực trong quá trình học tập hoặc làm việc. Đưa ra các phần thưởng cho những thành tựu, dù lớn hay nhỏ, sẽ giúp sinh viên có những niềm vui nho nhỏ, cảm thấy sự nỗ lực và cố gắng của bản thân có kết quả và được công nhận. Phần thưởng có thể là một đồ vật yêu thích muốn mua từ lâu, một buổi đi chơi, một bữa ăn thịnh soạn,... Quan trọng là, phần thưởng nên phản ánh sở thích và nhu cầu của mỗi cá nhân, giúp cảm thấy hài lòng và có động lực tiếp tục phấn đấu.

Những bài viết về tấm gương vượt khó trong học tập thường mang đến nguồn động viên và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người đọc. Tấm gương vượt khó không chỉ là người có thành tích xuất sắc về mặt học thuật, mà còn là những người có tinh thần không bao giờ từ bỏ, luôn kiên trì và nỗ lực hết mình trước những khó khăn. Tận cùng của sự khó khăn, làm thế nào để vượt qua. Khi đọc bài viết về nghị lực của 3 sinh viên vượt khó học tập trường Cao đẳng Công Thương miền Trung bạn sẽ tìm lại năng lượng hạnh phúc của chính mình.

Khát vọng của chàng trai hai lần mồ côi

Mai Tấn Thư cậu sinh viên Khoa QTKD-DL-TT là 1 trong những tấm gương sáng về tinh thần vượt khó. Ngôi nhà nhỏ nằm giữa cánh đồng ở thôn Thạnh Phú Tây (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) là nơi cậu sinh viên Tấn Thư mỗi ngày dậy sớm đến trường. Năm 2019, lúc chuẩn bị vào lớp 9 thì mẹ nuôi Thư mất vì bệnh hiểm nghèo.

Khi mới ra đời, Thư đã bị người sinh thành vứt bỏ. Dì Nương mang Thư về cho mẹ nuôi nuôi nấng. Lúc sắp mất, mẹ nuôi Thư trăng trối dì Nương chăm sóc giùm. Dì cũng không có con, nên thương Thư như con của mình. Thư hai lần mồ côi, nhưng từ tấm lòng thương yêu của mẹ nuôi và dì Nương đã giúp Thư lớn lên trong sự lương thiện, là tấm gương của tinh thần học tập “thép”.

Bạn Mai Tấn Thư, sinh viên ngành Kinh doanh thương mại, thuộc khoa Quản trị kinh doanh – Du lịch – Thời trang

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Thư đạt 24 điểm, còn điểm xét học bạ là 27,3 điểm. Với những điểm số này, bạn dư sức vào một số trường đại học. Tuy nhiên, Thư chọn ngành kinh doanh thương mại của Trường cao đẳng Công Thương miền Trung. Thư bộc bạch: “ Mình chọn trường này vì là trường ở Phú Yên, chi phí ít hơn so với các trường đại học ở tỉnh xa hay thành phố lớn. Học cao đẳng thì thời gian đào tạo ngắn hơn đại học, mình muốn học nhanh, sớm ra trường kiếm việc làm để lo cho dì. Khi có điều kiện thì học liên thông lên đại học sau cũng không muộn”.

Thư chia sẻ: “Nếu không có mẹ và dì nhận nuôi chắc chắn sẽ không có mình ngày hôm nay. Bởi vậy, mình luôn tự nhủ, tự căn dặn là phải nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, trắc trở để học thật tốt như lời mẹ nhắn nhủ lúc sinh thời”.

Cậu sinh viên mồ côi vượt 45 cây số đến trường mỗi ngày

Đồng cảnh ngộ với bạn Mai Tấn Thư ở huyện Đồng Xuân cũng có 1 bạn sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật trắc địa của trường Cao đẳng Công Thương miền Trung có hoàn cảnh vượt lên trên nghị lực. Đó là câu chuyện của bạn Đặng Quốc Hùng, có lẽ may mắn hơn Tấn Thư, Quốc Hùng đã từng được lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ. Nhưng biến cố đến bất ngờ, năm 2006 mẹ Hùng mất bởi tai nạn tàu hỏa lúc Hùng 7 tuổi. Cậu bé non nớt chập chững bước vào lớp 1 thiếu bóng mẹ hiền, chỗ dựa duy nhất còn lại là bố. Năm 2023, bước vào kì thi THPT bố đột ngột qua đời trong cơn suy tim, bao lời chưa kịp nói, Hùng mất bố. Em trở thành trẻ mồ côi.

Bạn Đặng Quốc Hùng, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật trắc địa, thuộc khoa CN Hóa – Tài nguyên và Môi trường

Hùng tiếp tục đến trường, mang theo tâm niệm của bố mẹ, mỗi ngày vượt 45km đến trường. Khi được hỏi về vấn đề ở kí túc xá trường để tiện cho việc học, Hùng chia sẻ: “ Mỗi ngày trở về nhà, em cảm nhận được sự ấm áp của gia đình, đã từng có ba, có mẹ, có anh chị ở đó. Đó cũng là động lực để em cố gắng học tập”. Năm học này Hùng nhận được thành tích học tập tốt, Hùng hy vọng sẽ sớm hoàn thiện kiến thức, tốt nghiệp đi làm để tự nuôi bản thân, trả ơn nuôi dưỡng học tập cho người thân trong suốt 3 năm học ở trường. Hùng mong muốn những bạn có hoàn cảnh như mình, hãy vươn lên bằng niềm tin phía trước.

Mất bố mẹ, cậu sinh viên gồng gánh nuôi em trai ăn học

Căn nhà nhỏ ở làng chài Mỹ Quang ( xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) là nơi hai anh em Xuân Thịnh sinh sống. Bùi Xuân Thịnh là sinh viên năm 2 khoa Cơ khí trường Cao đẳng Công Thương miền Trung, với dáng người cao, đôi mắt sáng và nụ cười ấm áp Thịnh để lại nhiều thiện cảm trong lòng mọi người.

Khi biết đến hoàn cảnh của Thịnh, bạn sẽ càng khâm phục về nghị lực của chàng sinh viên MITC này. Mẹ mất khi Thịnh còn nhỏ chỗ dựa duy nhất của 2 anh em là bố, năm ngoái trong chuyến đi biển xa, trở về đất liền không bao lâu bố đột ngột qua đời. Lúc đó Thịnh sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp, bố qua đời trong sự tiếc thương và xót xa nhất là để lại 2 con không nơi nương tựa. Từ ngày bố mất đi, Thịnh trở thành người thân duy nhất của em trai, trên vai Thịnh là trách nhiệm nuôi em ăn học, là tương lai còn đang dang dở. Đậu tốt nghiệp, Thịnh chọn trường Cao đẳng Công Thương miền Trung để học, sáng đi học chiều tranh thủ đi làm thêm, tối Thịnh trở về nhà lo cho em.

Bạn Bùi Xuân Thịnh, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí, thuộc khoa Cơ khí

Mỗi ngày trôi qua, 2 anh em cùng nhau vượt qua nỗi đau mất bố. Cố gắng vượt qua bao khó khăn để đến trường. Năm học này với sự cần cù chăm chỉ Thịnh nhận được kết quả học tập tốt. Thịnh là 1 tấm gương về tinh thần hiếu học và trách nhiệm, Thịnh chia sẻ: “ Ước muốn của em trong năm 2024 là học thật tốt để sớm tốt nghiệp ra trường, làm việc ổn định có tiền lo cho em”. Cậu sinh viên 19 tuổi vừa là bố, vừa là mẹ.

Mỗi ngày xung quanh chúng ta có biết bao những câu chuyện, đừng nghĩ rằng bạn đang gặp nghịch cảnh, khó khăn và chùn bước. Vì ngoài kia vẫn còn có rất nhiều người đang cố gắng từng ngày vượt qua nghịch cảnh để tìm đến hạnh phúc. Hôm nay là 1 ngày mưa, ngày mai là bão giông nhưng ngày kia sẽ là ngày nắng ấm. Ngày tất cả chúng ta sẽ được hạnh phúc!

Không chỉ là một phương thức tuyển sinh, kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) ĐHQG-HCM còn góp phần định hướng học tập một cách toàn diện cho học sinh THPT. Đồng thời, kỳ thi cũng mang lại cho các em cơ hội tiếp cận sớm và nâng cao những năng lực cơ bản của việc học đại học như khả năng ngôn ngữ, tư duy logic, giải quyết vấn đề.

Thực chất kỳ thi ĐGNL tác động đến việc học của sinh viên như thế nào? Học sinh THPT cần học và ôn tập ra sao để nhận được những tác động tích cực? Để làm rõ các vấn đề này, Bản tin ĐHQG-HCM đã có cuộc trao đổi với những thí sinh từng đạt trên 1.000 điểm trong các kỳ thi ĐGNL.

* Nguyễn Đại Nghĩa - đạt 1.052 điểm tại kỳ thi ĐGNL năm 2019, cử nhân ngành Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM

Làm quen với phương pháp học đại học

Mình thấy kiến thức trong đề thi ĐGNL ĐHQG-HCM rất rộng với hầu hết môn học phổ thông, từ đó có khả năng đánh giá toàn diện học sinh THPT. Điểm hay của đề thi ĐGNL là không đánh đố hay gò bó học sinh vào việc học thuộc lòng, rập khuôn, mà thay vào đó, đánh giá được khả năng tự học, đọc hiểu, tư duy giải quyết vấn đề.

Chẳng hạn, phần lớn câu hỏi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội được cho dưới dạng bài đọc hiểu. Để giải quyết, thí sinh phải đọc hiểu nhanh, tìm ra các thông tin quan trọng trong thời gian ngắn, đồng thời phân tích, kết hợp các thông tin được cung cấp. Đây cũng là điểm mình cảm thấy tương tự với việc tự học ở đại học.

Có thể nói, việc ôn tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng đọc hiểu để chuẩn bị cho kỳ thi ĐGNL cũng là cách để học sinh làm quen với phương pháp học tập phù hợp trong chặng đường đại học sắp tới.

* Nguyễn Quỳnh Giang - đạt 1.031 điểm tại kỳ thi ĐGNL năm 2019, sinh viên ngành Y khoa, Khoa Y ĐHQG-HCM

Hỗ trợ nhiều trong 5 năm học Y khoa

Mình rất thích dạng đề thi ĐGNL vì nó không phụ thuộc hoàn toàn vào việc học thuộc bài. Đề sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin cơ bản cho người thi và yêu cầu họ dựa vào đó để giải quyết các vấn đề theo từng lĩnh vực.

Việc luyện tập khả năng đọc hiểu và tư duy logic theo đề ĐGNL đã hỗ trợ mình rất nhiều trong 5 năm học ngành Y khoa. Bởi kiến thức ngành này rất rộng và mang tính chuyên môn cao, nên hai kỹ năng trên đã giúp mình có thể tiếp cận nhanh và nhớ lâu hơn các kiến thức cần thiết. Ngoài ra, mình còn có thể tự phân tích được tầm quan trọng của các kiến thức khác nhau để sắp xếp thứ tự ưu tiên cho kế hoạch học tập của bản thân.

* Đinh Hữu Nghiêm - đạt 1.009 điểm tại kỳ thi ĐGNL năm 2022, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM

Được rèn giũa năng lực tư duy, phân tích

Sau một thời gian ôn tập dạng đề thi ĐGNL, mình nhận ra kỳ thi này thực sự phù hợp với bản thân. Bởi vì nội dung bài thi dàn trải ở tất cả môn học với mức độ từ trung bình đến vận dụng thấp, đồng thời đặc biệt nhấn mạnh vào khả năng tư duy - điều mà mình có thể rèn luyện và vận dụng nhanh chóng hơn so với kiến thức học thuật.

Cũng nhờ quá trình ôn thi, năng lực tư duy logic và phân tích vấn đề, số liệu của mình đã được rèn giũa khá nhiều. Từ đó, mình dễ dàng ứng dụng chúng vào quá trình học đại học, chẳng hạn phân tích, đưa ra phương hướng tiếp cận vấn đề trong các môn đại cương như Phương pháp nghiên cứu khoa học, Thống kê cho khoa học xã hội…

Với trải nghiệm của mình, để vừa phát triển năng lực, vừa đạt kết quả tốt trong kỳ thi ĐGNL, thí sinh cần tìm động lực, đề ra kỷ luật ôn tập và xác định chiến lược học tập hiệu quả. Trong đó, chiến lược học tập nên bao gồm các bước: tự đánh giá năng lực bản thân, phân tích dạng đề, ôn tập dàn trải, ôn từng phần thi, chú trọng vào lĩnh vực thế mạnh của bản thân.

* Phạm Tuấn Đạt - đạt 1.107 điểm tại kỳ thi ĐGNL 2022, sinh viên ngành Khoa học Máy tính, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM

Rèn luyện được nhiều kỹ năng mềm

Mình xem kỳ thi ĐGNL là cơ hội để tự kiểm tra kiến thức, từ đó có thể chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Theo mình, để đạt điểm cao trong kỳ thi này, bên cạnh việc trang bị đầy đủ kiến thức, chúng ta cần giữ được tâm lý thoải mái, bình tĩnh. Việc nghiên cứu kỹ cấu trúc đề và phân chia thời gian làm bài hợp lý cũng sẽ giúp chúng ta đạt điểm cao.

Những kiến thức mà mình tiếp nhận được trong quá trình ôn thi ĐGNL đã giúp mình học tốt hơn các môn đại cương và một số môn cơ sở ngành. Hơn nữa, trong thời gian ôn luyện ĐGNL, mình còn rèn luyện được nhiều kỹ năng mềm như sắp xếp thời gian, xây dựng kế hoạch học tập, giải quyết vấn đề, đọc hiểu và nghiên cứu văn bản, tài liệu. Đây là những kỹ năng cơ bản và đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình học đại học của mình, góp phần giúp mình đạt kết quả học tập tốt hơn.

* Nguyễn Diệp Thế Bảo - đạt 1.023 điểm tại kỳ thi ĐGNL năm 2023, sinh viên ngành Kinh tế Đối ngoại, Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM

Giúp tiếp thu bài giảng hiệu quả hơn

Quyết định đăng ký thi ĐGNL vào đợt 2 ngay khi đợt 1 năm 2023 kết thúc, mình không có quá nhiều thời gian để ôn tập và rèn luyện các kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, giai đoạn chuẩn bị và cả quá trình tham dự kỳ thi của mình đều diễn ra khá suôn sẻ, không quá áp lực như suy nghĩ ban đầu của mình.

Nhìn chung, việc học, ôn tập theo những yêu cầu về kỹ năng, tư duy của đề thi ĐGNL rất hữu ích với việc học đại học của mình. Cụ thể, ở năm đầu tiên, mình đã áp dụng khả năng tư duy và xử lý số liệu ở phần toán logic để học các môn liên quan đến tính toán như Toán cao cấp, Kinh tế vi mô… Đối với khả năng ngôn ngữ, mình có thể vận dụng vào việc đọc và tìm kiếm thông tin từ các tài liệu tiếng Việt, tiếng Anh. Phần kiến thức khoa học tự nhiên và khoa học xã hội tích lũy được trong quá trình ôn thi cũng giúp mình tiếp thu bài giảng ở đại học hiệu quả hơn.

Kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM là công cụ khảo thí hiệu quả

PGS.TS Nguyễn Đình Tuyên - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, cho biết kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM là công cụ khảo thí hiệu quả trong công tác tuyển sinh tại trường. Cụ thể, điểm thi ĐGNL chiếm tới 75% trọng số trong tiêu chí học lực ở phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí.

“Kỳ thi ĐGNL giúp kiểm tra trình độ cơ bản của thí sinh như khả năng sử dụng ngôn ngữ, toán học, tư duy logic, phân tích số liệu, giải quyết vấn đề. Điều đó giúp Nhà trường chủ động lựa chọn những thí sinh chất lượng và phù hợp với chiến lược đào tạo” - PGS.TS Nguyễn Đình Tuyên lý giải.

Bên cạnh đó, những thí sinh có điểm thi ĐGNL cao thường có kết quả học tập tốt ở môi trường đại học. Theo thống kê năm 2018-2021, tỷ lệ sinh viên trúng tuyển theo phương thức thi ĐGNL tốt nghiệp loại Giỏi, Xuất sắc chiếm trọng số cao hơn so với sinh viên trúng tuyển theo phương thức thi tốt nghiệp THPT.

HƯƠNG NHU - THU THẢO - THU TRANG